Pages

April 2, 2012

Không khóc là vĩ đại?


Người Nhật đang phải đương đầu với hệ lụy của một trận sóng thần và động đất lớn. Cũng như nhiều người khác, tôi thán phục cho sự bình tĩnh và kỉ luật của người Nhật trong cơn hoạn nạn. Có người nghĩ rằng người Nhật không biết khóc và cho rằng đó là sự vĩ đại. Tôi nghĩ khác …

Hãy gạt tất cả nước mắt dưới mái hiên nhà, và sự chịu đựng sẽ là người bạn tốt của bạn”. Người ta cho rằng đó là câu châm ngôn của người Nhật. Người ta ca ngợi câu châm ngôn đó, như là một minh chứng cho tính vĩ đại của người Nhật. Người ta còn dùng nhiều từ ngữ có thể nói là xa xỉ để ca ngợi tính can trường của người Nhật. Nhưng tôi không nghĩ chỉ vì họ ức chế được cảm xúc (như không khóc, không biểu hiện cảm tính trước thảm nạn) là thái độ đáng ca ngợi, hay đáng để chúng ta học. Hoàn toàn không.

Đứng trên quan điểm y khoa, ức chế cảm xúc chắc chắn không phải là “người bạn tốt”.  Rất nhiều nghiên cứu y khoa cho thấy những người ức chế cảm xúc là những người có nhiều vấn đề về sức khỏe, kể cả nguy cơ mắc bệnh viêm kết tràng, nhức đầu, và những bệnh thuộc loại “psychosomatic” cao hơn những người hay khóc.  Về mặt tâm lí, người ức chế cảm xúc và không khóc cũng thường gặp trở ngại khi đối phó với các tình huống căng thẳng.  Những quan sát này cũng phù hợp với nhiều nghiên cứu cho thấy những phụ nữ số kiềm hãm cảm xúc có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn những phụ nữ cùng tuổi nhưng sẵn sàng biểu lộ xúc cảm. Ngược lại, những người hay khóc thường có sức khỏe tốt. Nước mắt còn có thể là liều thuốc chữa những vết thương ngoại nữa.

Hơn 50 năm về trước, có người đã chứng minh sự liên quan giữa số lần khóc và tốc độ phục hồi cơn bệnh; người hay khóc có thời gian lành bệnh thường nhanh hơn người không hay khóc. Nói tóm lại, sự phiền muộn, vui mừng hay căng thẳng là một tín hiệu của cơ thể báo cho con người biết rằng "Hey, có vấn đề," và con người cần phải giải quyết vấn đề này.

Khóc là một trong những phương cách giải quyết vấn đề. Thật là kì diệu khi cơ thể con người có một bộ máy giải mã tự động như thế!  Con người là phải biết đau, đau về thể xác và đau về tinh thần.  Không biết đau là bất bình thường chứ không phải vĩ đại.  Thật vậy, trong y khoa cổ điển những người với hội chứng không biết đau (thậm chí đổ nước sôi họ vẫn không thấy đau) là những người hay chết sớm. Không biết đau tinh thần hay biết đau mà không thể hiện cũng là một điều bất bình thường.

 Khóc là một trong những đặc điểm làm cho con người khác với thú vật vốn không biết khóc. Cố nhiên, chúng ta phải phân biệt hai loại nước mắt là tôi tạm gọi là "trần lệ" và "cảm lệ."  Trần lệ là loại nước mắt tiết ra do sự khuấy nhiễu của bụi bặm hay các vi vật (tiếng Anh gọi là reflective tears).  Cảm lệ là loại nước mắt tiết ra do tác động bởi cảm tính (emotional tears).

Là con người, ai cũng có cảm xúc. Chúng ta khóc khi người thân trong gia đình qua đời, khi bạn chúng ta lâm nạn.  Khóc là thể hiện lòng thương cảm. Người khóc hoàn toàn không có nghĩa rằng người đó yếu đuối.  Khóc là hành vi bình thường, rất bình thường. Có khi bác sĩ sẵn sàng để cho bạn khóc, và dành không gian để bạn khóc.

Người Nhật rất đáng phục và ngưỡng mộ về tính kỉ luật và văn hóa của họ.  Nhưng khả năng ức chế cảm xúc của một số người trong lúc hoạn nạn không bao giờ làm cho họ vĩ đại.

 Nguyễn Văn Tuấn
 Link: http://nguyenvantuan.net/misc/9-misc/1223-khong-khoc-la-vi-dai

No comments:

Post a Comment