Pages

December 17, 2012

Cấp độ bia

Có 1 bài post lưu truyền trên mạng thấy là khá Good, nói về cấp độ ăn nhậu của 1 sư phụ đã đi đến level max của nghệ thuật nốc, các bạn xem và tự đánh giá nhé.

1. Nhập môn:

Biểu hiện: thường ngồi im, ko nói năng gì, nhấp môi theo kiểu 1 ly bia uống đến sáng, hoặc có trường hợp cá biệt là nói năng hoạt bát, uống liên tục vài ly chứng tỏ rồi gục ngã ngay...

tỷ lệ đi xích lô 50%, chó ăn chè 30%, bình an 30%

Mức độ: 1 ly đến 3 lon tùy thể trạng
Khuyến cáo: nên ngồi im, nhấp môi và ăn là chính, hoăc uống ngụm nhỏ, đặc biệt phải ngừng ở chai thứ 3 , ko được hơn. Tốt nhất nên đi cùng bạn hoặc ko lái xe.

2. Lên đô:

Biểu hiện: điệu bộ , cử chí có vẻ tự nhiên hơn giai đoạn nhập môn, mọi thứ trên bàn nhậu đã dần hết bỡ ngỡ, có khả năng uống đến nửa ly 1 lần, có khả năng cùng bạn bè "dô dô..." mặc dù uống vẫn còn long đền, bắt đầu nói chuyện với bạn bè ngồi bên cạnh, ăn ít dần...

tỷ lệ đi xích lô 20%, chó ăn chè 20%, bình an 60%

Mức độ : 3 chai đến 8 chai tùy thể trạng

Khuyến cáo: vẫn còn là "ếch ngồi đáy giếng", ko nên nôn nóng khiêu khích đối thủ cùng bàn, nếu đụng bàn "ngọa hổ tàng long" thì người cho "chó ăn chè" là chính bạn chứ ko ai khác

3. Độc cô cầu bại:


Biểu hiện: trung tâm của nhóm, nói năng huyên thuyên, đôi lúc thành nói nhảm, từ đầu bàn nói đến cuối bàn, ăn rất ít, uống rất nhiều, khả năng uống 100% tốt, bắt đầu so bì về lượng bia rượu với đối thủ theo kiểu :" tại sao còn long đền, tại sao mới uống có 50% khi tao uống hết"...bắt đầu có thể có những hành vi ko tốt đối với bạn nhậu...

Tỷ lệ đi xích lô 10%, chó ăn chè 0%, bình an 30%

Mức độ: 8 chai đến 15 chai tùy thể trạng

Khuyến cáo: nên tập tạ để có thể trạng tốt, tránh hoặc chịu được những trận đòn do những "biểu hiện" trong khi "cầu bại"

4. Chủ xị:

Biểu hiện: uống ko biết say xỉn, luôn tìm kiếm không khí vui vẻ bên bàn nhậu, luôn là người đến sớm nhất, và là người về trễ nhất để nhìn từng chiến hữu gục ngã,đã có khả năng kêu xích lô cho bạn bè...và tất nhiên, luôn là ng trả tiền để có được đám "bạn tốt" vì mình thèm nhậu mà đến nhậu vì mình. Bắt đầu quên mất gia đình, vợ con, cha mẹ..chỉ là phù du, cuộc đời lấy đám bằng hữu và chai rượu làm lẽ sống.

Mức độ : 16 chai đến 1 két

Khuyến cáo: quay đầu là bờ, đừng để bia rượu lấn át lý trí, ảnh hưởng sức khỏe.

Tỷ lệ gục ngã 0%, chó ăn chè 0%, bình an 30%

5. Tiên tửu:

Biểu hiện: đã qua thời "coi trời bằng vung", có thể uống liên tục ko cần ăn, khả năng uống 100% là tuyệt vời. "bạn tới đâu, mình tới đó" rất đúng với giai đoạn này, và ai được uống với "tiên tửu", đó là 1 vinh dự. vì "tiên tửu" ko cần đông người, chỉ cần 1 người thôi cũng là quá đủ, lúc đó, bạn thành tri kỷ của họ, họ ko ép bạn uống, và bạn có vinh dự được nghe họ "huyên thuyên" kể về 1 đề tài nào đó, mặc dù bạn đã nghe mới vài phút trước từ chính họ.

Mức độ: ko thể ước lượng được

Khuyến cáo: nếu tiếp tục, có thể "tiên tửu" sẽ lên trời nhậu lẩu cá với ông Táo

Tỷ lệ gục ngã 0%, chó ăn chè 0%, bình an 90% ( do 10% đột tử)

6. Chí phèo:

Biểu hiện: uống bia rượu một mình mỗi ngày như thể sinh ra chỉ để như thế, có thể làm tất cả để có thể được uống bia rượu, bạn bè xa lánh, vợ con nghèo đói,bản thân nghèo kiết xác, có những khả năng "xuất quỷ nhập thần" như : chửi bức tường, nói chuyện với hòn đá...

Mức độ: ko có

Khuyến cáo: nên chết đi


Đây là giai đoạn cuối cùng của 1 "nhân tài" về bia rượu, cũng là cảnh giới tối cao mà trong giới "võ lâm trung nguyên" ai cũng ngưỡng mộ lẫn khiếp sợ, vì chỉ cần 1 cái v chạm, hay chỉ 1 ánh nhìn, hoặc chỉ cần "chí phèo" thấy ko vui, thì họ có thể tiễn bạn hoặc cả gia đình bạn đi về nơi xa lắm. 

Mình thì chỉ vừa chạm đến level 2. Còn bạn ?

December 12, 2012

Những lỗi phổ biến trong trình bày bằng Powerpoint


Đã dự rất nhiều hội nghị khoa học lớn và nhỏ ở nhiều nơi, kể cả ở Việt Nam, tôi thấy một số sai lầm phổ biến trong cách trình bày bằng powerpoint (PPT). Những sai lầm này thường liên quan đến cách soạn slide, nội dung, và cách trình bày. Thật ra, ngày xưa, lúc mới bước vào học, tôi cũng từng phạm phải những sai lầm như thế, nhưng nhờ có thầy chỉnh sửa và hướng dẫn, nên đã tránh được những sai lầm đó và học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm. Nay đã đến lúc tôi có thể chia sẻ những kinh nghiệm cá nhân cùng các bạn.

Mục tiêu của bất cứ bài nói chuyện nào cũng là chuyển giao thông tin. Chuyển thông tin từ một cái đầu sang nhiều cái đầu. Không chỉ chuyển giao, mà còn phải chuyển giao một cách có hiệu quả. Để đạt được hiệu quả, diễn giả cần phải có nội dung tốt, một bộ slide hoàn chỉnh, và một phong cách trình bày chuyên nghiệp. Chỉ khi nào một bài thuyết trình hội đủ 3 nhu cầu trên thì mới có thể xem là thành công.
Nhưng trong thực tế, tôi đã thấy rất nhiều bài nói chuyện trong các hội nghị trở thành nhạt nhẻo, và khán giả chẳng học hỏi được gì từ bài nói chuyện. Chúng ta có câu Chiếc áo không làm nên thầy tu. Tương tự, nếu diễn giả có một nhúm slide, chưa chắc diễn giả đó đã có một bài thuyết trình. Một nhúm slide khác với một bài thuyết trình. Đã từng tham dự nhiều hội nghị và hội thảo ở Việt Nam, tôi rút ra một số kinh nghiệm, hay nói đúng hơn là một số sai lầm phổ biến dưới đây.
Những sai lầm khi soạn slide
1. Vấn đề chọn màu. Một trong những sai lầm phổ biến nhất là cách chọn màu cho slide. Có hai màu diễn giả cần phải chọn: màu nền (background color) và màu chữ (text color). Nhiều diễn giả không chú ý nên chọn màu không thích hợp. Chẳng hạn như nền màu xanh đậm mà chữ màu đỏ hay màu đen, hoặc nền màu trắng nhưng chữ màu vàng, v.v. là không thích hợp. Không thích hợp vì rất khó đọc. Nhiều người Việt có thói quen chọn màu đỏ chói làm màu nền, và đó là một cách chọn không thích hợp, vì màu đỏ là màu “high energy” làm cho người đọc rất khó chú ý.
Nếu hội trường rộng, nên chọn màu chữ sáng (màu vàng, trắng) trên nền tối (màu xanh đậm). Nếu hội trường nhỏ hay trung bình, nên chọn chữ màu đậm (xanh đậm hay đen) trên nền sáng (màu trắng).
http://www.thugmed.com/home/wp-content/uploads/2008/11/bad-slide.jpg
Một ví dụ về chọn màu nền (mây) và màu chữ không thích hợp


2. Vấn đề chọn kiểu chữ (font). Kiểu chữ có ảnh hưởng đến khả năng tiếp thu và tốc độ đọc. Nhiều diễn giả không chú ý đến font chữ khi soạn slide, nên gây khó khăn cho khán giả. Có hai loại kiểu chữ chính: kiểu chữ có chân và kiểu chữ không có chân (sans serif). Kiểu chữ có chân tiêu biểu là TimeTimes New Roman, Cambria. Kiểu chữ không có chân là Arial, Verdata, Calibri. Nhiều người Việt thích chọn kiểu chữ có chân vì họ nghĩ đó là kiểu chữ đẹp. Đẹp thì đúng, nhưng là một sai lầm trong PPT, vì có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng kiểu chữ có chân làm người ta tốn thì giờ đọc hơn là kiểu chữ không có chân. Đó cũng chính là lí do tại sao các “đại gia” internet như Yahoo! và Google dùng chữ không có chân trên các trang web của họ.
Có diễn giả thích “trang trí” chữ bằng cách làm bóng (shadow) cho chữ. Đây là một kĩ thuật chẳng những mất thì giờ, mà còn phản tác dụng, vì rất khó đọc và nhức mắt. Tuyệt đối không “trang trí” chữ bằng bóng!
3. Khổ chữ. Không gì khó chịu hơn khi diễn giả trình bày slide mà khán giả không đọc được vì khổ chữ quá nhỏ. Nhưng trong thực tế thì vấn đề này xảy ra rất nhiều lần, mà diễn giả thì có vẻ rất vô tư, không quan tâm đến khán giả. Kinh nghiệm của tôi cho thấy nên chọn cỡ chữ từ 18 đến 30. Nếu chọn kiểu chữ Arial thì khổ chữ 18 hay 20 là hợp lí; nếu chọn kiểu chữ Calibri thì kích thước phải cỡ 25 hay 30 mới dễ đọc. Mỗi slide nên có tựa đề, và tựa đề nên có kích thước 35 đến 45.   Nếu có ghi chú (footnote) thì có thể dùng kích thước 12.
4. Quá nhiều chữ trong slide. Một trong những sai lầm phổ biến nhất là diễn giả trình bày quá nhiều chữ trong một slide. Có nhiều slide, tôi không phân biệt được là một đoạn văn hay là một power point. Thật vậy, có nhiều người vì lí do nào đó (có thể là lười biếng) nên cắt từ Word và dán vào slide. Cũng có người có thể do sợ không thuộc bài, nên viết hết những câu văn trên slide như là một văn bản. Đây là một sai lầm tai hại, vì khán giả sẽ không theo dõi được. Nghiên cứu tâm lí chỉ ra rằng, một người bình thường chỉ có thể lĩnh hội nội dung slide trong vòng 20-30 giây; nếu qua thời gian đó mà không lĩnh hội được thì họ sẽ bỏ, và diễn giả đã thất bại trong việc truyền đạt thông tin.
Để khắc phục vấn đề này, cần phải biết “qui ước n x n”. Theo qui ước này, nếu slide có dòng, thì mỗi dòng chỉ nên có n chữ. Chẳng hạn như nếu slide có 5 dòng thì mỗi dòng nên có 5 chữ. Một slide có 6 dòng trở nên là quá nhiều. Số dòng lí tưởng là 3-5.
5. Viết slide như viết văn bản. Người thiếu kinh nghiệm thường soạn slide như họ viết văn bản, tức là câu cú có chủ từ, động từ, theo đúng văn phạm. Dĩ nhiên, không có gì sai trong cách làm như thế, nhưng đó là cách làm thiếu tính chuyên nghiệp. Người có kinh nghiệm soạn slide theo công thức telegraphic, tức viết giống như viết điện tín ngày xưa, hay như cách phóng viên viết tiêu đề bài báo. Cách viết telegraphic có hiệu quả giảm số chữ trong mỗi slide, và giúp diễn giả tập trung vào cách diễn giải vấn đề hơn là đọc. Một cách phân biệt cách viết theo kiểu văn bản và telegraphic như sau:
  • Văn bản: Loãng xương là một bệnh với đặc điểm mật độ xương suy giảm dẫn đến gia tăng nguy cơ gãy xương.
  • Telegraphic: Loãng xương – mật độ xương giảm à nguy cơ gãy xương tăng.
Tất cả slide, ngoại trừ những trích dẫn nguyên văn, nên được viết theo kiểu điện tín.
 
Những vấn đề liên quan đến nội dung
6. Không có thông điệp chính. Có nhiều hội nghị mà chúng ta khi nghe xong một bài thuyết trình nhưng chẳng biết diễn giả muốn nói gì, hay mình đã tiếp thu thông tin gì. Vấn đề ở đây là diễn giả đã thất bại cung cấp một thông điệp chính. Mỗi một bài thuyết trình phải có một thông điệp chính. Thông điệp chính cần phải trình bày trong một slide mà tiếng Anh gọi là money slide, hiểu nôm na là một “slide ăn tiền”. Nếu thông điệp chính không có trong bài thuyết trình thì khán giả cảm thấy mất thì giờ đến nghe vì chẳng có tiếp thu được thông tin gì xứng đáng. Do đó, trước khi soạn bài nói chuyện, diễn giả cần phải suy nghĩ cẩn thận cái money slide là gì, trước khi soạn những slide khác.
7. Chất lượng thông tin nghèo nàn. Nhiều bài thuyết trình mà trong đó diễn giả trình bày những thông tin nghèo nàn, thiếu tính liên đới đến chủ đề chính, và hệ quả là khán giả không nắm lấy vấn đề một cách logic. Làm một bài thuyết trình bằng powerpoint không phải là một thử nghiệm về kĩ năng viết, mà là kĩ năng chọn thông tin và thể hiện thông tin. Thông tin phải chính xác, đáng tin cậy, và được thể hiện một cách thích hợp. Chẳng hạn như trong khoa học, những cách thể hiện dữ liệu bằng biểu đồ bánh (pie chart) là vô dụng nhất, thiếu tính chuyên nghiệp nhất, và nhàm chán nhất.
8. Dùng hoạt hình quá nhiều. Nhiều người thích dùng hoạt hình (animation) trong bài thuyết trình. Đây là một sai lầm nghiêm trọng. Giới khoa học nói chung tương đối bảo thủ, hiểu theo nghĩa không thích đùa như trẻ con. Hoạt hình được xem là một hình thức khoe kĩ thuật của trẻ con. Hoạt hình còn làm cho khán giả phân tâm, thay vì tập trung vào thông tin thì họ lại chú ý đến những hình ảnh hay những con chữ nhảy nhót một cách … vô duyên. Cần tránh hoạt hình trong các báo cáo khoa học.
9. Dùng clipart quá nhiều. Ngoài hoạt hình, một số diễn giả có xu hướng dùng clipart một cách thái quá. Có thể dùng để minh hoạ cho một vài ý tưởng qua clipart, nhưng nếu dùng quá nhiều thì sẽ gây phản tác dụng, vì sẽ giảm sự tập trung của khán giả.
Những vấn đề liên quan đến phong cách trình bày
10. Đọc slide. Có quá nhiều diễn giả trong các hội nghị ở Việt Nam đọc slide, và đó là một “đại kị”. Khi diễn giả đọc slide, khán giả sẽ nghĩ diễn giả chỉ là một cái máy nói, không am hiểu vấn đề, và thụ động. Đọc slide làm cho diễn giả quay lưng lại với khán giả, trong khi “nhiệm vụ” của diễn giả là nói chuyện với khán giả chứ không phải nói với … slide. Đọc slide còn gây một ấn tượng phản cảm, vì khán giả nghĩ rằng diễn giả chỉ nói những gì ai đó đã soạn cho để nói (trong thực tế cũng có vấn đề này).
 
11. Nói chuyện không dính dáng gì đến slideNgược lại với đọc slide là những diễn giả nói chuyện chẳng liên quan gì đến slide đang trình chiếu. Dĩ nhiên, đây là một tín hiệu cho thấy diễn giả đang lạc đề hoặc không có tập dượt trước, nhưng cũng có thể là dấu hiệu cho thấy diễn giả không nắm vững vấn đề. Vì không nắm vững vấn đề bắt đầu … lan man. Tình trạng này xảy ra rất nhiều khi diễn giả không phải là người soạn slide (mà ai đó soạn cho).
Nên nhớ rằng khi thuyết trình khoa học, diễn giả cần phải có tạo niềm tin bằng cách trình bày những nghiên cứu hay tác phẩm của mình. Nếu trong một bài nói chuyện mà diễn giả chẳng có cái gì của mình, toàn là dữ liệu của người khác, hoặc do người khác soạn, thì khán giả sẽ nghĩ rằng diễn giả chỉ là một cái "máy nói", một con rối.
12. Không dùng laser pointer. Một trong những “bệnh” khá phổ biến ở các diễn giả Việt Nam là không dùng laser pointer. Một bài thuyết trình khoa học có nội dung không phải dễ theo dõi, nhất là có những giản đồ phức tạp minh hoạ cho một qui trình khoa học, do đó diễn giả cần phải dẫn dắt khán giả bằng cách dùng laser pointer để chỉ đến những chỗ đang nói. Không có laser pointer, khán giả sẽ rất khó theo dõi, và họ sẽ bỏ cuộc nếu sau 30 giây mà không hiểu diễn giả muốn nói gì.
Nhưng cũng nên sử dụng pointer thích hợp. Một thói quen ngược lại không dùng pointer là dùng tuỳ tiện, quơ pointer ở những vị trí chẳng liên quan gì đến slide. Có người do vô ý hay hồi hộp cứ quơ laser pointer trên trần nhà làm khán giả cứ theo dõi và buổi trình bày trở nên hài hước.
13. Nói quá giờ. Một “bệnh” cực kì phổ biến ở các diễn giả Việt Nam là nói quá giờ. Nói quá giờ cho phép là một sự bất lịch sự đối với diễn gỉa kế tiếp (có người nói nặng nề hơn là “ăn cắp” thì giờ). Nói quá giờ còn gây rối loạn đến chương trình và gây khó khăn cho ban tổ chức. Cố gắng nói đúng giờ cho phép. Một ước tính quan trọng là mỗi slide trung bình tốn 1 phút. Do đó, nếu bài báo cáo 15 phút thì diễn giả chỉ nên có 15 slides, hay tối đa là 20 slides (kể cả tựa đề, phần cảm tạ, và conflict of interest).
14. Điệu bộ khi trình bày. Tuy không phổ biến lắm, nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn thấy những diễn giả có những điệu bộ không thân thiện với khán giả. Những điệu bộ này có thể kể đến như bỏ tay vào túi quần, dùng ngón tay trỏ chỉ vào khán giả, khoanh tay ngang ngực, v.v. Những động thái như thế gây ấn tượng hống hách, xem thường khán giả, nên rất phản cảm. Cần phải tuyệt đối tránh!
15. Làm chủ toạ theo kiểu dạy đờiNgoài những “bệnh” trên, còn có một bệnh khác tôi hay thấy trong các hội nghị ở Việt Nam là vai trò của chủ toạ. Rất thường xuyên tôi thấy chủ toạ đóng vai trò tóm lược và phê bình báo cáo của diễn giả. Có chủ toạ còn lên lớp cho diễn giả. Đó là một việc làm hết sức mất lịch sựvô lễ, vô văn hoá khoa học,và phản cảm. Có nhiều trường hợp sự việc xảy ra một cách hài hước, vì người chủ toạ nói sai (do không có cùng chuyên môn, hay chuyên môn chưa vững). Trong thực tế, chủ toạ các phiên họp khoa học có nhiệm vụ giới thiệu bài nói chuyện, điều khiển buổi họp sao cho đúng giờ, và nếu không có ai đặt câu hỏi thì chủ toạ đóng vai trò “khơi mào” câu hỏi cho diễn giả. Nên nhớ rằng người chủ toạ không có chức năng tóm lược và phê bình bài báo của diễn giả.
***
Trên đây là một số vấn đề (nhưng cũng có thể xem là “sai lầm”) trong báo cáo khoa học bằng powerpoint. Những sai lầm này đặc biệt phổ biến trong các hội nghị ở Việt Nam mà người viết bài này từng trải nghiệm trong thời gian trên dưới 10 năm qua. Sai lầm không phải là vấn đề (vì ai cũng phạm phải); vấn đề là học hỏi từ sai lầm. Học hỏi từ người đi trước là có hiệu quả nhất và nhanh nhất. Trong bài này, tôi đã trình bày một số lời khuyên để khắc phục cho mỗi sai lầm. Tôi đã từng học hỏi từ những sai lầm như thế này. Nhiều đồng nghiệp và nghiên cứu sinh của tôi đã học từ những lời khuyên này và họ đã thành công. Do đó, tôi hi vọng rằng những lời khuyên trong bài này sẽ giúp ích cho các bạn thành công trong lần báo cáo sắp tới.

June 28, 2012

Lỗi khi import dữ liệu từ Excel sang SQL Server

Hôm rồi dự án cần import dữ liệu từ excel sang SQL Server nhưng gặp lỗi khi cố import cột dữ liệu kiểu nvarchar.
There was an error with output column "XYZ" (30) on output "Excel Source Output" (9). The column status returned was: "Text was truncated or one or more characters had no match in the target code page.".
 (SQL Server Import and Export Wizard)

Đã thử tick tùy chọn Ignore Error với vì tưởng là nó sẽ bỏ qua lỗi này khi convert. BS thay nó vẫn cứ trơ gan cùng tuế nguyệt. Biện pháp bất đắc dĩ là ignore column này luôn, nhưng cũng vẫn không được. Làm mình mất toi buổi tối chỉ để ngồi ăn chè và cháo đậu xanh.

Nhờ Gu gồ chỉ điểm, biết được là do cơ chế đọc nguồn từ excel để lấy kiểu dữ liệu. Vấn đề là Import Wizard thực hiện kiểm tra theo cơ chế sampling: quyết định maxlengh cho cột dữ liệu cần import dựa vào dòng có maxlength lớn nhất trong  8 dòng đầu của excel source. Do đó những thằng sau nếu dài hơn là đi cu tèo.

Vậy trick ở đây là nhập dummy data ở dòng đầu tiên sao cho thỏa mãn data type maxlength ở sql source.
Sau khi import xong thì xóa đi hoặc trả lại dữ liệu ban đầu cho nó.

Tạm thời thủ công vậy. Có cách khác "tự động hóa" một chút nhưng chưa kiểm tra được độ tin cậy.

Tham khảo issue được thảo luận ở đây


June 3, 2012

Bạn đã sẵn sàng để thành công ?

Trong một thời đại cạnh tranh khắc nghiệt như hiện nay, thì việc giữ được vị trí công việc hiện tại cũng như tiến cao hơn trong nấc thang sự nghiệp đòi hỏi bạn phải chuẩn bị rất nhiều điều. Dưới đây là 5 điều trong số đó. Nếu muốn thành công nhanh hơn, bạn hãy bắt tay vào làm việc và thử nghiệm nhiều điều hơn nữa.


Chấp nhận rủi ro

Nếu muốn thành công nhanh hơn, bạn hãy bắt tay vào làm việc và thử nghiệm nhiều điều hơn nữa. Hãy hành động nhiều hơn và để mình bận rộn hơn. Hãy bắt đầu ngày mới sớm hơn, làm việc chăm chỉ hơn và ở lại công ty muộn hơn một chút. Hãy dám đương đầu với những may rủi. May mắn là điều hoàn toàn có thể đoán biết. Nếu muốn mình may mắn hơn, bạn hãy đón nhận nhiều cơ hội hơn. Hãy chủ động hơn. Hãy để mình xuất hiện nhiều hơn.

Tom Peters, tác giả của cuốn sách Tìm kiếm thành đạt và nhiều cuốn sách hướng dẫn kinh doanh khác cho rằng, có một phẩm chất căn cốt trong tính cách của các giám đốc điều hành là luôn “thiên về hành động”. Câu thần chú của họ dường như luôn là “sẵn sàng, ngắm và bắn”. Quan điểm của họ đối với việc kinh doanh có thể tóm tắt trong những từ như “Làm, sửa và thử nghiệm”. Họ hiểu rằng, tương lai thuộc về những người có xu hướng hành động, những người dám chấp nhận rủi ro.

Thống tướng Douglas MacArthur từng cho rằng, “Ở đời không có sự đảm bảo, chỉ có cơ hội”. Và có một sự thật thú vị là, nếu bạn tìm kiếm cơ hội, bạn sẽ đạt tới sự đảm bảo mong muốn. Tuy nhiên, nếu bạn tìm kiếm sự bảo đảm, rốt cuộc, bạn không có cả cơ hội lẫn sự bảo đảm đó. Ta có thể thấy rõ điều này từ thực tế quanh mình. Những cuộc giảm biên chế và tái cấu trúc các công ty đã đẩy hàng nghìn người vào tình trạng thất nghiệp lâu dài.


Tự giác

Nếu bạn đã có một mục tiêu để hướng tới và một kế hoạch thực hiện, hãy bắt tay vào thực hiện ngay. Và khi đã xác định được mục tiêu, đừng dừng lại mà kiên trì làm để tiến gần hơn tới mục tiêu. Đừng để quy mô của mục tiêu cũng như khoảng thời gian khổng lồ cần có để hoàn thành nó làm bạn nản lòng.

Trong quá trình lên kế hoạch thực hiện, hãy chia nhỏ mục tiêu lớn thành những nhiệm vụ và hoạt động nhỏ hơn mà bạn có thể đảm đương được. Bạn không nhất thiết phải làm nhiều, nhưng mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng, bạn cần phải chứng tỏ sự tiến bộ bằng việc hoàn thành những nhiệm vụ đã đặt ra. Từ đó hướng tới những mục tiêu đã được xác định rõ ràng.

Và đây mới là vấn đề then chốt: Phẩm chất quan trọng nhất để đạt được thành công là tính tự giác. Đó là khả năng bạn bắt mình phải làm những việc cần làm vào đúng thời gian yêu cầu, bất kể việc đó có thích hay không.


Chuẩn bị cho tương lai

Diễn giả nổi tiếng của Mỹ là Earl Nightingale từng nói, nếu ai đó không chuẩn bị cho thành công thì khi cơ hội tới, nó chỉ khiến anh ta trở nên lố bịch thôi. Và hẳn bạn cũng đã nghe nói tới câu danh ngôn, may mắn là cái sẽ chỉ xuất hiện khi sự chuẩn bị kỹ lưỡng gặp được cơ hội. Chỉ khi nào bạn đã trả giá xứng đáng để có thể sẵn sàng cho thành công, bạn mới tận dụng được hết những cơ hội khi chúng tới.

Có vô số điều bạn có thể làm để có thể sẵn sàng cho thành công. Tất cả những hoạt động đó đều đòi hỏi thái độ tự giác và tin tưởng. Chúng cần sự tự giác vì thực tế là mọi người thường có thói quen làm việc mà không hề chuẩn bị. Thay vì dành thời gian và cố gắng chuẩn bị mọi thứ trong khi chờ cơ hội, họ chỉ rong chơi, nghe đài, xem ti vi và vội vàng thử sức khi có cơ hội vì tin rằng mình đã chuẩn bị rất tốt.


Ăn uống hợp lý

Đây cũng là một cách quan trọng để bạn chuẩn bị cho thành công. Bên cạnh những loại thức ăn giàu dinh dưỡng, mang lại nguồn năng lượng dồi dào, cũng có những loại thực phẩm bạn thường dùng chỉ vì thói quen mà không hề biết, chúng có hại cho hệ thống tiêu hóa. Những loại thức ăn này sẽ khiến bạn trì trệ và mỏi mệt vào buổi sáng hay buổi chiều.

Quá trình tiêu hóa là hoạt động cơ thể tiêu tốn nhiều năng lượng hơn cả. Do đó, khi ăn những loại thực phẩm khó tiêu, cơ thể bạn sẽ phải đẩy máu từ những khu vực khác tới cơ quan tiêu hóa để giúp chúng làm việc. Và như thế, việc tiêu hóa sẽ “ngốn” hết lượng máu đáng lẽ cần phải cung cấp dồi dào cho não và cơ bắp. Đây chính là lý do vì sao sau những bữa ăn quá “no nê”, bạn thường cảm thấy nặng nề, khó chịu.
Để giải quyết vấn đề này, hãy ăn những thực phẩm lành mạnh và nhẹ nhàng. Ăn nhiều rau và hoa quả, cộng thêm những loại ngũ cốc nguyên hạt.


Biết chuẩn bị

Trong mọi việc bạn làm, sự chuẩn bị là yếu tố mấu chốt. Nếu đã sẵn sàng để thành công, bạn phải gieo hạt thật tốt trước mùa vụ bạn mong được bội thu. Mọi thứ đều có 2 mặt của nó. Tất cả những việc bạn làm hoặc đưa bạn tới những mục tiêu đặt ra, hoặc sẽ đưa bạn đi chệch khỏi nó. Chúng có thể giúp bạn mà cũng có thể hại bạn.

Có chàng trai trẻ hỏi xin lời khuyên một doanh nhân thành công về việc làm thế nào anh có thể thành công nhanh hơn. Vị doanh nhân bảo, mấu chốt để thành công là anh ta phải giỏi công việc đang làm. Nghe nói thế, chàng trai bảo, “Nhưng tôi đã giỏi trong công việc của mình rồi”. Doanh nhân bèn nói, “Vậy thì hãy giỏi hơn nữa!”. Chàng trai trẻ, phần nào đó có vẻ tự đắc nói, “Vâng, tôi đã giỏi hơn hầu như tất cả mọi người rồi”. Lúc này, vị doanh nhân bèn nói tiếp, “Vậy thì anh hãy trở thành người giỏi nhất”.

Đó cũng chính là những lời khuyên tốt nhất bạn nên suy nghĩ: Hãy trở nên giỏi giang, giỏi hơn nữa và trở thành người giỏi nhất.

Bạn hãy nhớ rằng, chúng ta đang sống trong một xã hội tri thức, cứ sau chừng 7 năm, kiến thức trong bất cứ lĩnh vực nào cũng tăng thêm gần gấp đôi. Điều này cũng có nghĩa, cứ 7 năm trôi qua, bạn sẽ phải tự tích lũy thêm gấp đôi kiến thức trong lĩnh vực nghề nghiệp của mình nếu muốn tồn tại. Có thể bạn đã thực sự thành thạo với các kỹ năng và kiến thức tại thời điểm hiện tại. Có thể bạn đã đạt tới đỉnh ca o nghề nghiệp với những năng lực ở hiện tại. Nhưng nếu bạn muốn đi xa hơn và nhanh hơn, bạn hãy tiếp tục làm việc vàchuẩn bị cho mình trước những tầm cao mới. Hãy gạt bỏ những báo chí rườm rà, hãy tắt ti vi, hãy chối từ lịch sự với những cuộc tụ tập vô bổ để trở về với công việc cần thiết của mình.

Đỗ Dương
Theo Jlmandassociates

April 2, 2012

Không khóc là vĩ đại?


Người Nhật đang phải đương đầu với hệ lụy của một trận sóng thần và động đất lớn. Cũng như nhiều người khác, tôi thán phục cho sự bình tĩnh và kỉ luật của người Nhật trong cơn hoạn nạn. Có người nghĩ rằng người Nhật không biết khóc và cho rằng đó là sự vĩ đại. Tôi nghĩ khác …

Hãy gạt tất cả nước mắt dưới mái hiên nhà, và sự chịu đựng sẽ là người bạn tốt của bạn”. Người ta cho rằng đó là câu châm ngôn của người Nhật. Người ta ca ngợi câu châm ngôn đó, như là một minh chứng cho tính vĩ đại của người Nhật. Người ta còn dùng nhiều từ ngữ có thể nói là xa xỉ để ca ngợi tính can trường của người Nhật. Nhưng tôi không nghĩ chỉ vì họ ức chế được cảm xúc (như không khóc, không biểu hiện cảm tính trước thảm nạn) là thái độ đáng ca ngợi, hay đáng để chúng ta học. Hoàn toàn không.

Đứng trên quan điểm y khoa, ức chế cảm xúc chắc chắn không phải là “người bạn tốt”.  Rất nhiều nghiên cứu y khoa cho thấy những người ức chế cảm xúc là những người có nhiều vấn đề về sức khỏe, kể cả nguy cơ mắc bệnh viêm kết tràng, nhức đầu, và những bệnh thuộc loại “psychosomatic” cao hơn những người hay khóc.  Về mặt tâm lí, người ức chế cảm xúc và không khóc cũng thường gặp trở ngại khi đối phó với các tình huống căng thẳng.  Những quan sát này cũng phù hợp với nhiều nghiên cứu cho thấy những phụ nữ số kiềm hãm cảm xúc có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn những phụ nữ cùng tuổi nhưng sẵn sàng biểu lộ xúc cảm. Ngược lại, những người hay khóc thường có sức khỏe tốt. Nước mắt còn có thể là liều thuốc chữa những vết thương ngoại nữa.

Hơn 50 năm về trước, có người đã chứng minh sự liên quan giữa số lần khóc và tốc độ phục hồi cơn bệnh; người hay khóc có thời gian lành bệnh thường nhanh hơn người không hay khóc. Nói tóm lại, sự phiền muộn, vui mừng hay căng thẳng là một tín hiệu của cơ thể báo cho con người biết rằng "Hey, có vấn đề," và con người cần phải giải quyết vấn đề này.

Khóc là một trong những phương cách giải quyết vấn đề. Thật là kì diệu khi cơ thể con người có một bộ máy giải mã tự động như thế!  Con người là phải biết đau, đau về thể xác và đau về tinh thần.  Không biết đau là bất bình thường chứ không phải vĩ đại.  Thật vậy, trong y khoa cổ điển những người với hội chứng không biết đau (thậm chí đổ nước sôi họ vẫn không thấy đau) là những người hay chết sớm. Không biết đau tinh thần hay biết đau mà không thể hiện cũng là một điều bất bình thường.

 Khóc là một trong những đặc điểm làm cho con người khác với thú vật vốn không biết khóc. Cố nhiên, chúng ta phải phân biệt hai loại nước mắt là tôi tạm gọi là "trần lệ" và "cảm lệ."  Trần lệ là loại nước mắt tiết ra do sự khuấy nhiễu của bụi bặm hay các vi vật (tiếng Anh gọi là reflective tears).  Cảm lệ là loại nước mắt tiết ra do tác động bởi cảm tính (emotional tears).

Là con người, ai cũng có cảm xúc. Chúng ta khóc khi người thân trong gia đình qua đời, khi bạn chúng ta lâm nạn.  Khóc là thể hiện lòng thương cảm. Người khóc hoàn toàn không có nghĩa rằng người đó yếu đuối.  Khóc là hành vi bình thường, rất bình thường. Có khi bác sĩ sẵn sàng để cho bạn khóc, và dành không gian để bạn khóc.

Người Nhật rất đáng phục và ngưỡng mộ về tính kỉ luật và văn hóa của họ.  Nhưng khả năng ức chế cảm xúc của một số người trong lúc hoạn nạn không bao giờ làm cho họ vĩ đại.

 Nguyễn Văn Tuấn
 Link: http://nguyenvantuan.net/misc/9-misc/1223-khong-khoc-la-vi-dai